Tintuc - Theo Trưởng Ban Pháp chế của VCCI Đậu Anh Tuấn, Công văn 632 của Tổng cục Thuế ban hành ngày 7/3 đã khiến hàng trăm doanh nghiệp (DN) ngành sắn bị ảnh hưởng. Chỉ một công văn hành chính này nhưng khi áp dụng cho tất cả các cục thuế địa phương thì ngành sắn "đứng yên"...
Tại buổi hội thảo công bố báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021" của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây, vấn đề kinh doanh bị nghẽn do thông tư, công văn được nhiều đại biểu đưa ra bàn luận.
Ngay trong bài phát biểu khai mạc sự kiện, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã lấy Công văn 632 của Tổng cục Thuế về dừng hoàn thuế đối với DN xuất khẩu tinh bột sắn để khẳng định chất lượng thông tư, công văn còn rất nhiều vấn đề đáng bàn.
Theo Chủ tịch VCCI, qua phản ánh từ phía cộng đồng doanh nghiệp, có nhiều thông tư vẫn ban hành điều kiện kinh doanh – điều bị cấm theo Luật Đầu tư 2014, 2020; các quy định tại thông tư chưa minh bạch, chưa hợp lý, còn chồng chéo, mâu thuẫn, hay các công văn ban hành quy phạm pháp luật, nội dung hướng dẫn tại công văn chưa phù hợp… Tất cả những vấn đề này sẽ là cản trở, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp khi triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh.

"Ở cấp cao nhất tư tưởng và văn bản ban hành rất thông thoáng nhưng chất lượng cải cách lại phụ thuộc chính vào những văn bản cụ thể, những thông tư của cấp bộ. Gần đây có trường hợp các DN xuất khẩu sắn qua biên giới gặp vướng mắc, gây khó cho DN. Qua trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, sắp tới có cuộc gặp 3 bên giữa VCCI, Tổng cục Thuế và DN ngành sắn ngồi lại với nhau để tháo gỡ vấn đề rất khó này", ông Phạm Tấn Công nói.
Nhấn mạnh mức độ ảnh hưởng lớn của công văn, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng nhắc đến Công văn 632 của Tổng cục thuế áp dụng với các DN xuất khẩu tinh bột sắn.
"Chỉ 1 công văn hành chính nhưng khi áp dụng cho tất cả cục thuế thì ngành sắn "đứng yên". Tất nhiên lý lẽ đằng sau đó là một chuyện nhưng có thể thấy hiệu lực, tác động của 1 công văn khiến hàng trăm doanh nghiệp ngành sắn chịu ảnh hưởng, 1 công văn có thể làm ảnh hưởng đến mặt hàng lương thực quan trọng thứ 3 của cả nước, 1 công văn tác động đến 1,2 triệu lao động trong ngành sắn là điều rất đáng lưu tâm", ông Tuấn bày tỏ.
Cũng theo ông Tuấn, có thể một vài doanh nghiệp vi phạm nhưng việc Tổng cục Thuế dùng sự nghi ngờ ấy để áp dụng cách quản lý đó cho cả ngành thì rõ ràng gây ra thiệt hại cực kỳ lớn.
Với tư cách là chuyên gia pháp luật, rất gắn bó với cộng đồng DN, Luật sư Trương Thanh Đức cũng nhấn mạnh đến vai trò ảnh hưởng của công văn đối với DN khi nhắc tới Công văn 632 của Tổng cục Thuế.
Vị luật sư này thẳng thắn cho rằng, sự vô lý của Công văn 632 là đưa ra các quy định để được hoàn thuế trái với quy định của pháp luật. Luật quy định điều 3 kiện được hoàn thuế là: Có hợp đồng xuất khẩu, xác nhận của Hài quan, thanh toán qua ngân hàng. Bao nhiêu năm nay, Hiệp hội Sắn Việt Nam đều đáp ứng đủ cả 3 điều kiện này.
"Tất cả thủ tục, điều kiện các DN đã đáp ứng đủ nhưng ngành thuế lấy cớ đối tác đâu đó gian lận, mờ ám, không tồn tại, có dấu hiệu này dấu hiệu kia để dừng hoàn thuế GTGT cho các DN xuất khẩu tinh bột sắn. Cơ sở pháp lý nào để ngành thuế đưa ra Công văn 632? Trong khi số tiền thuế hàng năm 500 - 700 tỷ USD của DN nông nghiệp, DN ngành sắn lớn như thế nào? Do vậy, DN lo ngại nguy cơ phá sản", Luật sư Đức nói.
Điều Chủ tịch VCCI cũng như Luật sư Trương Thanh Đức hi vọng lúc này là cuộc gặp 3 bên giữa VCCI, Tổng cục Thuế và các DN ngành sắn trong thời gian tới sẽ tìm ra lối thoát cho DN, giải tỏa mối lo ngại bị đổ vỡ của ngành có giá trị tỷ USD này.
Thiên Long
0 nhận xét:
Post a Comment